Nếu bạn đang tìm một bộ phim hoạt hình dễ thương nhưng không kém phần sâu sắc, thì Zootopia chắc chắn sẽ là lựa chọn đáng để thử. Mình đã xem bộ phim này vài lần, và lần nào cũng bị cuốn hút bởi một thành phố toàn thú nói tiếng người, những tình huống dở khóc dở cười, rồi bất ngờ lặng đi vì những thông điệp mà phim gửi gắm. Đằng sau vẻ lung linh của thành phố hiện đại, còn là bài học sâu sắc về định kiếnniềm tin vào chính mình. Hãy cùng mình khám phá xem vì sao Zootopia không chỉ là bộ phim hoạt hình cho trẻ nhỏ, mà còn là tấm gương phản chiếu xã hội loài người.

Một giấc mơ “không dành cho loài thỏ”

Nhân vật chính của Zootopia Judy Hopps – một cô thỏ nhỏ bé, sinh ra trong một gia đình trồng cà rốt hiền lành, nơi mà an phận luôn được xem là lựa chọn khôn ngoan nhất. Nhưng Judy không muốn sống cả đời chỉ quanh quẩn ở quê nhà. Cô có một ước mơ lớn lao đó là trở thành cảnh sát – công việc vốn chỉ được mặc định dành cho những loài to lớn, mạnh mẽ.

Vượt qua muôn vàn lời dèm pha, Judy cuối cùng cũng tốt nghiệp thủ khoa học viện cảnh sát, rồi khăn gói lên Zootopia – thành phố hiện đại nơi mọi loài động vật được hứa hẹn sẽ sống hòa bình, không còn thiên kiến. Nghe lý tưởng lắm đúng không? Nhưng rồi Judy sớm nhận ra thành phố này không hoàn hảo như những tấm poster quảng bá. Loài Thỏ vẫn bị xem thường, bị xếp làm “việc vặt”, và các loài ăn thịt vẫn bị ngầm dè chừng.

Khi ta bắt đầu nhìn nhau bằng lăng kính cũ kỹ

Xuyên suốt bộ phim, Judy và Nick Wilde – chú cáo láu cá chuyên lừa vặt – đã cùng nhau dấn thân vào một vụ án tưởng chừng nhỏ nhặt, để rồi phát hiện ra cả một âm mưu nhằm chia rẽ cộng đồng, kích thích nỗi sợ hãi về sự “hoang dã” của các loài ăn thịt.

Điều làm mình thích nhất ở Zootopia là cách phim nhẹ nhàng chỉ ra rằng định kiến không chỉ nằm ở những kẻ xấu lộ liễu, mà đôi khi ẩn sâu chính trong lòng những người tưởng như thiện lương nhất. Dù Judy luôn tin rằng mình công bằng và không phân biệt, cô vẫn có lúc để nỗi sợ chi phối, vô tình làm tổn thương Nick.

Định kiến, hóa ra, không hẳn là thứ mà ta dễ dàng nhận ra ở bản thân mình. Nó len lỏi qua cách ta được nuôi dạy, qua những câu chuyện cổ tích “cáo thì gian xảo, thỏ thì hiền lành”, rồi bám rễ rất lâu.

Bài học sâu sắc về niềm tin

Ngoài chuyện xã hội, Zootopia còn nhắc mình về một điều giản dị: niềm tin vào chính mình. Judy dám bước khỏi lối mòn, chấp nhận bị coi thường, để chứng minh rằng một cô thỏ nhỏ vẫn có thể trở thành cảnh sát giỏi. Nick cũng học được cách buông bỏ mặc cảm, đứng lên không phải chỉ để chạy trốn quá khứ, mà để trở thành người mà cậu thật sự muốn.

Trong một thành phố muông loài đầy rẫy hoài nghi, Judy và Nick đã chọn tin vào nhau, và nhờ thế mà câu chuyện đi xa hơn một vụ án hình sự – nó trở thành hành trình chữa lành cho cả hai.

Lời kết

Mình nghĩ Zootopia đặc biệt ở chỗ, dù là phim hoạt hình, nó vẫn đặt ra những câu hỏi rất “người lớn”:

Chúng ta có thật sự nhìn người khác (hay nhìn chính mình) bằng con mắt công bằng, không thành kiến?
Và liệu ta đủ dũng cảm để đi ngược lại những gì xã hội gán cho mình?

Vậy đó, một bộ phim tưởng chỉ để giải trí cho trẻ em, cuối cùng lại cho mình cơ hội soi lại lòng mình một chút. Nếu bạn chưa xem Zootopia, hay chỉ xem lướt qua, thì hãy thử xem lại nhé. Biết đâu bạn sẽ thấy bản thân đâu đó trong đôi tai dài của Judy, hay trong nụ cười nửa thật nửa đùa của Nick.

One response to “Zootopia: Thành phố mơ ước hay tấm gương phản chiếu thế giới loài người?”

  1. Tam Tran Avatar
    Tam Tran

    hayyy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Designed with WordPress